Di tích lịch sử văn hoá đền Vua Thầy - xã Khánh An

     DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ CẤP TỈNH ĐỀN VUA THẦY- XÃ KHÁNH AN

    Xã Khánh An nằm về phía tây tây bắc của huyện Yên Khánh. Phía bắc giáp xã Khánh Phú và sông Đáy, phía nam giáp sông Vạc (tiếp giáp với xã Khánh Thượng, Khánh Dương huyện Yên Mô), phía đông giáp xã Khánh Cư, phía tây giáp xã Khánh Hòa. Tổng diện tích đất tự nhiên là 740,3 ha.

Khánh An có 7.800 người, mật độ dân số: 950 người/km², đều thuộc dân tộc Kinh, xã Khánh An có hai tôn giáo là đạo Phật và Thiên chúa giáo. Nhân dân xã Khánh An sống chủ yếu làm nghề nông nghiệp, cần cù, chịu khó, giản dị và khiêm tốn.

Địa hình xã không bằng phẳng, tạo thành nhiều dong đất cao thấp khác nhau, dải đất cát pha thịt chạy theo hướng Đông - Nam tạo thành đất trồng màu và đất thổ cư. Những dải đất này là kết quả bồi tụ phù sa của sông Đáy kết hợp với những đợt sóng biển dâng và rút mà hình thành nên. Khí hậu mang những đặc điểm của tiểu khí hậu đồng bằng sông Hồng (khí hậu nhiệt đới ẩm).

    Nhìn tổng thể, xã Khánh An là vùng đất gắn liền với triều đại nhà Đinh - Tiền Lê thế kỷ X. Là những cư dân nông nghiệp, trồng lúa nước, nhân dân Khánh An (cũng như các vùng quê khác ở châu thổ Bắc Bộ) có những sắc thái văn hóa chung của người Việt, đồng thời có những tập tục riêng, có những tập tục được lưu giữ đến tận ngày nay.

    Hầu hết các lễ hội diễn ra vào đầu mùa xuân, hội làng Yên Xuyên (diễn ra từ ngày mùng 6 đến mùng 7 tháng Giêng tại đình làng Yên Xuyên). Về di tích lịch sử - văn hóa ở xã Khánh An có số lượng khá nhiều, hầu hết làng nào cũng có đình, chùa. Các đình, đền, miếu của các làng đa phần đều thờ những vị danh tướng từ thời nhà Đinh, một số ít thờ thánh thần, số còn lại thờ những người thi cử, đỗ đạt cao, có công với nước.

Nhân dân Khánh An vốn từ rất sớm đã có ý thức học hành, thi cử, nhiều người đỗ đạt cao, thời Trần có cụ tiến sỹ Tạ Đại Lang; thời Nguyễn có cụ Tú Toại, Quan Chủ, Tú Uẩn, Tú Tự. Trong đó cụ Tú Uẩn; Tú Tự thường gọi là cụ Đồ Uẩn; Đồ Tự nhà nho dạy chữ Hán, đặc biệt sau này có nhà cách mạng yêu nước Tạ Quang Sằn. Đó là những con người được coi là “nguyên khí của quốc gia”, góp phần làm nên diện mạo văn hóa, lịch sử của đất nước. Đó cũng là niềm tự hào của nhân dân Khánh An về vùng đất “địa linh nhân kiệt” nổi tiếng một thời.

Nhân dân Khánh An, từ ngày hình thành làng, xã, đến nay mảnh đất và con người gắn bó bền chặt. Người dân Khánh An sống hiền hoà, thuỷ chung, đoàn kết, thương yêu nhau trong cộng đồng, đùm bọc nhau lúc khó khăn. Có kinh nghiệm đấu tranh với thiên nhiên, khoanh vùng chắn nước, thau chua rửa mặn, dựng xây xóm làng. Các thế hệ con người Khánh An kế tiếp nhau phát huy đức tính cần cù, chịu khó, lao động năng động, sáng tạo bồi đắp quê hương ngày thêm giàu mạnh.

    Theo số liệu kiểm kê năm 2012 của Sở VH,TT&DL tỉnh Ninh Bình thì xã Khánh An có 12 di tích được kiểm kê. Tuy nhiên theo khảo sát, thống kê của học viên thì tính đến hết năm 2017, trên toàn xã Khánh An có tổng số 24 di tích, cơ sở thờ tự (chưa tính các nhà thờ công giáo). Trong đó có 08 di tích được Nhà nước xếp hạng, bao gồm 3 di tích cấp Quốc gia (1 đình, 2 đền); 05 di tích cấp tỉnh (4 đền, 1 nhà thờ họ).

    Di tích ở xã Khánh An chủ yếu là 2 loại hình: di tích lịch sử và di tích kiến trúc nghệ thuật (sự phân chia này chỉ mang tính chất tương đối).

Theo thống kê của Sở VH&TT tỉnh Ninh Bình thì hiện nay trên địa bàn xã Khánh An có 12 di tích có tổ chức lễ hội, trong đó có 1 đình, 8 đền và 2 chùa, hầu hết các lễ hội gắn với di tích này đều diễn ra với ở qui mô thôn, làng, có 02 lễ hội được tổ chức thường xuyên là lễ hội làng Yên Xuyên và lễ hội làng Yên Phú.

      Đền Vua Thầy toạ lạc trên vùng đất thôn Miễu 2, làng Yên Xuyên thuộc xã Khánh An. Tương truyền di tích được xây dựng từ thời nhà Đinh, thờ Bản thổ Địch Lộ Tổ Sư Đại thần, có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, chữa bệnh cho Hoàng tộc, được Vua Đinh phong là “Thái y Phúc Trạch Đại vương”. Ông mở trường dạy học, bốc thuốc cứu người, nhân dân tôn kính gọi là vua Thầy, lập đền thờ để thờ tự.

       Di tích được xây dựng theo kiểu “Tiền nhất hậu Đinh”, gồm 5 gian Tiền đường, 5 gian Trung đường, 2 gian Hậu cung, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói vẩy. Hiện nay, toà Trung đường và Hậu cung còn giữ được khá nguyên vẹn kết cấu, kiến trúc gốc thời Nguyễn với các mảng chạm khắc tinh tế, cầu kỳ.

    Di tích còn lưu giữ được khá nhiều đồ thờ tự, trong đó có những tư liệu, hiện vật quý như: 04 sắc phong cho Địch Lộ Tổ sư Đại thần và chuẩn cho thôn xã thờ phụng; 02 bia đá năm Giáp Thìn niên hiệu Thành Thái thứ 16 (1904) ghi lại việc tu sửa, tôn tạo, xây dựng di tích và tên những người hưng công, cúng tiến và các long ngai, bài vị, bát hương cổ.

anh tin bai

                                                                Tin: Công chức VHTT

 

  • Từ khóa :
BẢN ĐỒ TP NINH BÌNH

Tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập