DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ CẤP TỈNH ĐỀN ĐỨC ĐỆ NHỊ - XÃ KHÁNH AN
Xã Khánh An nằm về
phía tây tây bắc của huyện Yên Khánh. Phía bắc giáp xã Khánh Phú và sông Đáy,
phía nam giáp sông Vạc (tiếp giáp với xã Khánh Thượng, Khánh Dương huyện Yên
Mô), phía đông giáp xã Khánh Cư, phía tây giáp xã Khánh Hòa. Tổng diện tích đất
tự nhiên là 740,3 ha.
Khánh An có 7.800 người, mật độ dân số: 950 người/km², đều thuộc dân tộc Kinh, xã Khánh An có hai
tôn giáo là đạo Phật và Thiên chúa giáo. Nhân dân xã Khánh An sống chủ yếu làm
nghề nông nghiệp, cần cù, chịu khó, giản dị và khiêm tốn.
Địa hình xã không
bằng phẳng, tạo thành nhiều dong đất cao thấp khác nhau, dải đất cát pha thịt
chạy theo hướng Đông - Nam tạo thành đất trồng màu và đất thổ cư. Những dải đất
này là kết quả bồi tụ phù sa của sông Đáy kết hợp với những đợt sóng biển dâng
và rút mà hình thành nên. Khí hậu mang những đặc điểm của tiểu khí hậu đồng
bằng sông Hồng (khí hậu nhiệt đới ẩm).
Nhìn tổng thể, xã
Khánh An là vùng đất gắn liền với triều đại nhà Đinh - Tiền Lê thế kỷ X. Là
những cư dân nông nghiệp, trồng lúa nước, nhân dân Khánh An (cũng như các vùng
quê khác ở châu thổ Bắc Bộ) có những sắc thái văn hóa chung của người Việt,
đồng thời có những tập tục riêng, có những tập tục được lưu giữ đến tận ngày
nay.
Hầu hết các lễ hội
diễn ra vào đầu mùa xuân, hội làng Yên Xuyên (diễn ra từ ngày mùng 6 đến mùng 7
tháng Giêng tại đình làng Yên Xuyên). Về di tích lịch sử - văn hóa ở xã Khánh
An có số lượng khá nhiều, hầu hết làng nào cũng có đình, chùa. Các đình, đền,
miếu của các làng đa phần đều thờ những vị danh tướng từ thời nhà Đinh, một số
ít thờ thánh thần, số còn lại thờ những người thi cử, đỗ đạt cao, có công với
nước.
Nhân dân Khánh An
vốn từ rất sớm đã có ý thức học hành, thi cử, nhiều người đỗ đạt cao, thời Trần
có cụ tiến sỹ Tạ Đại Lang; thời Nguyễn có cụ Tú Toại, Quan Chủ, Tú Uẩn, Tú Tự.
Trong đó cụ Tú Uẩn; Tú Tự thường gọi là cụ Đồ Uẩn; Đồ Tự nhà nho dạy chữ Hán,
đặc biệt sau này có nhà cách mạng yêu nước Tạ Quang Sằn. Đó là những con người
được coi là “nguyên khí của quốc gia”, góp phần làm nên diện mạo văn hóa, lịch
sử của đất nước. Đó cũng là niềm tự hào của nhân dân Khánh An về vùng đất “địa
linh nhân kiệt” nổi tiếng một thời.
Nhân dân Khánh An,
từ ngày hình thành làng, xã, đến nay mảnh đất và con người gắn bó bền chặt.
Người dân Khánh An sống hiền hoà, thuỷ chung, đoàn kết, thương yêu nhau trong
cộng đồng, đùm bọc nhau lúc khó khăn. Có kinh nghiệm đấu tranh với thiên nhiên,
khoanh vùng chắn nước, thau chua rửa mặn, dựng xây xóm làng. Các thế hệ con
người Khánh An kế tiếp nhau phát huy đức tính cần cù, chịu khó, lao động năng
động, sáng tạo bồi đắp quê hương ngày thêm giàu mạnh.
Theo số liệu kiểm
kê năm 2012 của Sở VH,TT&DL tỉnh Ninh Bình thì xã Khánh An có 12 di tích
được kiểm kê. Tuy nhiên theo khảo sát, thống kê của học
viên thì tính đến hết năm 2017, trên toàn xã Khánh An có tổng số 24 di tích, cơ
sở thờ tự (chưa tính các nhà thờ công giáo). Trong đó có 08 di tích được Nhà
nước xếp hạng, bao gồm 3 di tích cấp Quốc gia (1 đình, 2 đền); 05 di tích cấp
tỉnh (4 đền, 1 nhà thờ họ).
Di tích ở xã Khánh
An chủ yếu là 2 loại hình: di tích lịch sử và di tích kiến trúc nghệ thuật (sự
phân chia này chỉ mang tính chất tương đối).
Theo thống kê của
Sở VH&TT tỉnh Ninh Bình thì hiện nay trên địa bàn xã Khánh An có 12 di tích
có tổ chức lễ hội, trong đó có 1 đình, 8 đền và 2 chùa, hầu hết các lễ hội gắn
với di tích này đều diễn ra với ở qui mô thôn, làng, có 02 lễ hội được tổ chức
thường xuyên là lễ hội làng Yên Xuyên và lễ hội làng Yên Phú.
Đền Đức Đệ Nhị
được xây dựng trên khu đất rộng 625m2, nằm trong
khung cảnh thanh bình, giữa một không gian văn hóa đậm nét làng quê. Phía Bắc
liền kề với nhà văn hóa thôn Bùi, phía Nam là đường liên thôn, phía Đông là khu
dân cư, phía Tây là đường trục xã, đền quay theo hướng Đông Nam.
Đền Đức Đệ Nhị thờ
Lịch Lộ Đại Vương (hay còn được gọi là Lịch Công), một vị tướng thời nhà Đinh
có công cùng Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, lập nên nhà nước phong kiến
trung ương tập quyền đầu tiên ở nước ta.
Các di tích xếp
hạng cấp Quốc gia được thực hiện trước năm 2000, còn đối với các di tích xếp hạng
cấp tỉnh vẫn được duy trì thực hiện trong những năm gần đây. Cho đến nay, xã
Khánh An có 08 di tích được xếp hạng: Đền Tam Thánh và chùa Yên Lữ, đình Yên
Phú, đền Văn Giáp, đền Thánh Cả và đền Đức Bà, đền Đức Đệ Nhị, đền Lăng, đền
Thượng Yên Lý, Nhà thờ họ Đoàn Yên Cống.
Đa phần các di tích là các công trình tín
ngưỡng, tôn giáo như: đình, đền, chùa, miếu...
Trong đó các di tích lịch sử chiếm số lượng lớn, các di tích này không những có
phong cách của kiến trúc truyền thống, bề dày lịch sử đơn thuần mà còn chứa
đựng cả một hệ thống cổ vật, di vật và các giá trị di sản văn hoá phi vật thể
vô cùng quý giá.
Di tích là các dấu
vết vật chất tồn tại trong không gian, thời gian nên chịu sự tác động của thiên
nhiên, xã hội. Vì vậy hệ thống di tích trên địa bàn không tránh khỏi các hiện
tượng xuống cấp theo thời gian và chịu sự sự tác động của thời tiết, khí hậu và
các tác nhân xâm hại khác, đặc biệt là các di tích có kiến trúc cổ hoặc một
phần kiến trúc cổ. Đây cũng chính là các di tích chứa đựng giá trị lịch sử, văn
hóa, khoa học. Tuy nhiên hầu hết các công trình này có kiến trúc dựa trên chất
liệu gỗ là chủ yếu cho nên dễ bị xuống cấp và thường xuyên có nhu cầu phải bảo
quản, tu bổ...
Số di tích còn lại
là các công trình mới được phục hồi, hoặc là kiến trúc từ những năm 60 của thế
kỷ XX trở lại đây. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều di tích có kiến trúc dạng nhà cấp 4
tạm, đơn giản bằng vật liệu kém bền vững (tường gạch, hoành, rui, xà, cột bằng
gỗ tạp, mái lợp ngói nam…). Đa phần các di tích này hiện nay đang xuống cấp và
không đáp ứng được về kiến trúc, thẩm mỹ và làm giảm giá trị của di tích.
Trong tổng số các
di tích xếp hạng, hiện nay có 2/3 di tích cấp quốc gia đang xuống cấp (chiếm
66%), đó là di tích đình Yên Phú và đình Văn Giáp; 1/4 di tích cấp tỉnh đang
xuống cấp (chiếm 20%) là di tích nhà thờ họ Đoàn Yên Cống và 1/4 di tích cấp
tỉnh xuống cấp nặng (chiếm 20%) là đền Thượng Yên Lý [số liệu của Sở Văn hóa
và Thể thao tỉnh cung cấp]. Các di tích đã được nhà nước xếp hạng các cấp
là những công trình có nhiều giá trị cần được ưu tiên bảo vệ, tu bổ, tôn tạo.
Di tích xuống cấp nặng hầu hết là các công trình kiến trúc gỗ tập trung chủ yếu
ở các cấu kiện chịu lực chính như: cột, xà, kết cấu vì, kẻ, bẩy... còn các di
tích xuống cấp mức độ trung bình là ở phần mái, tường bao, nền
và các hạng mục phụ trợ khác...
Giá
trị của di tích đền Đức Đệ Nhị
Giá
trị lịch sử
- Nhân vật thờ
Đền Đức Đệ Nhị thờ
Lịch Lộ Đại Vương (hay còn được gọi là Lịch Công), một vị tướng thời nhà Đinh
có công cùng Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, lập nên nhà nước phong kiến
trung ương tập quyền đầu tiên ở nước ta.
Căn cứ theo
theo Lý lịch di tích tại đình Yên Phú, xã Khánh An, huyện Yên Khánh,
tỉnh Ninh Bình [46] (thờ Lịch Lộ Đại Vương), xếp hạng cấp quốc gia năm
2001 và các tài liệu khác về Lịch Lộ Đại Vương còn lưu giữ ở đền Đức Đệ Nhị thì
Lịch Lộ Đại vương là con của ông Cao Điện và vợ là bà Vân Thị ở trang Yên Bạc
vùng Yên Ninh. Tổ tiên của ông Cao Điện vốn ở trang Đồng Thi, huyện Thiên Bản,
phủ Nghĩa hưng, đạo Sơn Nam dời đến Yên Bạc đã được hai đời. Ông kế tục nghề là
phủ thủy của cha ông, song vẫn lấy đạo làm gốc, chăm chỉ việc làm phúc giúp
người. Vợ chồng họ Cao duyên ưu phận đẹp, thường giúp đỡ kẻ nghèo khó, không
tiếc công sót của, hiềm một nỗi lấy nhau đã lâu mà không sinh được con. Một
đêm, bầu trời trong xanh gió mát, hai vợ chồng đang nằm trong phòng, bỗng cả
hai đều mơ màng, thấy một cụ già râu tóc bạc phơ từ trên trời xuống, tay cầm
một lưỡi tầm sét. Cụ già bảo bà Điện há miệng và bỏ lưỡi tầm sét vào. Bà Điện
đón lấy và nuốt vào trong bụng, sau đó cụ nói: “Ta cho thứ đó là điềm lành sinh
con trai để ngày sau nổi danh thiên hạ”. Nói xong ông cụ cưỡi mây biến mất.
Từ đó bà Điện có
mang liền 11 tháng, đến ngày 15 tháng chạp năm Bính Thân thì sinh một người con
trai, tướng mạo khôi ngô tuấn tú. Lúc sinh hạ khí lành bay khắp nơi, trên trời
bỗng nổi tiếng sấm rền. Được 3 tuổi, cậu con trai
mình mẩy tựa sắt, tiếng nói vang như sấm, người cha thấy thế đặt tên là Lịch.
Một thời gian sau
bà Điện lại nằm mộng thấy một người áo mũ chỉnh tề, tự xưng là quan Hành Khiển
trên trời xin đầu thai làm con. Từ đó bà Điện có mang, đến ngày 15 tháng 8 sinh
được một người con trai, mày thanh mắt sáng, tai to mặt vuông. Ông Điện rất vui
bèn đặt tên con là Khiển.
Từ nhỏ hai anh em
đã tỏ ra là người thông minh, tài trí hơn người, cha mẹ tìm thầy cho học, ngày
ngày văn võ ôn luyện, chẳng bao lâu võ nghệ tinh tường, văn chương thấu đáo.
Năm ông Lịch 22
tuổi, cha mẹ đều tạ thế, anh em làm lễ chôn cất, đèn hương, lễ bái trọn 3 năm,
hai anh em ôm nhau mà than: “Thương ôi, mãi thương, ôi bãi bể nương, dâu nay
biến đổi! Cha mẹ ta tu thân tích đức, sinh thành nuôi dưỡng ta khó nhọc, thế mà
nay ta chưa mảy may báo đáp, sau này dẫu có “nghìn chung chín vại” thì cũng làm
sao thấy lại được cha mẹ đẻ mà báo đền”. Từ đó anh em nung nấu ý chí, càng chăm
lo việc binh đao. Lúc đó đất nước đang có nạn cát cứ 12 sứ quân. Nghe tin Đinh
Bộ Lĩnh là người kỳ tài văn võ, có khí chất của bậc đế vương, đang khởi binh ở
động Hoa Lư, nhiều anh hùng ở khắp nơi về giúp sức, hai anh em bèn đến nơi yết
kiến. Bộ Lĩnh thấy hai ông tướng mạo khác thường, uy phong lẫm liệt, bèn hỏi
quê quán và thử tài năng. Thấy hai ông văn võ toàn tài, bèn giữ lại trong quân,
giao chức Tiền bộ tướng quân cho ông Lịch, chức Tán chỉ huy sứ cho ông Khiển. Sau
đó Đinh Bộ Lĩnh phái hai ông đi khắp nơi chiêu mộ binh sĩ.
Hai ông bèn về quê
lập đồn, chiêu binh, tuyển trai tráng khỏe mạnh, phát hịch kêu gọi hào kiệt,
dân chúng trong vùng tham gia và giúp đỡ nghĩa quân dẹp loạn cát cứ. Những
người ủng hộ kéo đến tới tấp, chỉ trong vòng 10 ngày, trong tay hai ông đã có
tới 3 vạn quân. Hai ông mổ trâu, bò khao
quân, sắp đặt đội
ngũ chỉnh tề, chỉnh đốn vũ khí, chuẩn bị lương thực, kéo quân về Hoa Lư để hợp
quân với Đinh Bộ Lĩnh.
Sứ quân của Đinh
Bộ Lĩnh dần dần lớn mạnh, thanh thế càng lên. Một lần tấn công sứ quân của Đỗ
Cảnh Thạc ở động Đỗ Giang, chủ quân Đinh Bộ Lĩnh bị bao vây, lúc đó cánh quân
của ông Lịch và ông Khiển đang ở Phong Châu, nghe tin cấp báo, hai ông đã đem
quân về ứng cứu. Cánh quân có 5 nghìn tinh binh, khí giới tinh nhuệ, tiếng
chiêng trống vang dội, tinh kỳ bay phấp phới. Đến động Đỗ Giang, hai ông sông
thẳng vào trận, đánh cho đội quân Đỗ Cảnh Thạc tan tác, cứu cha con họ Đinh
thoát nạn.
Sau khi dẹp loạn
12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, định đô ở Hoa Lư, ban thưởng cho các công
thần, chấn chỉnh nhà nước, dựng nền độc lập tự chủ. Hai anh em ông Lịch và ông
Khiển xin nhà vua cho về quê hương, xin được miễn thuế, lao dịch ở trang Yên
Bạc, được Đinh Tiên Hoàng chấp nhận.
Về quê, hai ông
chấn chỉnh lại làng xóm, cùng dân chúng trong trang lo chuyện làm ăn, xây dựng
quê hương. Một hôm trời nổi cơn giông, đất trời mù mịt, sấm sét dữ dội vào chỗ
ông Lịch ngồi, có một đám mây hồng bay là là tới chỗ ông, lát sau trời quang
mây tạnh, Lịch Công không thấy đâu cả, chỗ ông ngồi chỉ còn áo mũ bỏ lại. Hôm
đó là ngày 15 tháng 10. Đinh Tiên Hoàng nghe tin than rằng: “Thiên thần giáng
thế phù trẫm mở nước, nay bốn phương đã yên, sao không cùng hưởng phú quý mà
sớm vội về trời như vậy?”, Đinh Tiên Hoàng bèn phong cho ông là Lịch Lộ Đại
vương và lệnh cho Khiển Công cùng nhân dân Yên Bạc lập đền thờ ông. Sau khi
ngài mất, hiển rõ sự linh ứng. Mỗi khi các tướng sỹ cất quân đi dẹp loạn đều
làm lễ tế tại đền, những năm hạn hán, mất mùa, làm lễ cầu đảo đều được mưa
thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi. Trải qua các đời vua đều được sắc phong mỹ
tự Tĩnh hậu trung đẳng tôn thần.
Tin. Công chức VHTT