Yên Khánh đẩy mạnh cải cách hành
chính gắn với chuyển đổi số
Thời
gian qua, huyện Yên Khánh đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn
huyện đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) gắn với chuyển đổi số, trọng tâm là
tăng cường ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực
tuyến, lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, trung tâm để phục vụ. Nhờ vậy,
công tác CCHC trên địa bàn huyện đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc
đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.
Theo đó,
huyện ưu tiên tập trung phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng công nghệ
và tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi số, đáp ứng yêu
cầu phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử và
hình thành các công dân số. Trong quá trình triển khai, huyện Yên Khánh đặc
biệt đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm
trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường
công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá sự hài lòng của người dân tại Bộ phận Một
cửa của huyện và của UBND xã, thị trấn trên địa bàn, đồng thời chú trọng làm
tốt công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công
trực tuyến.
Thực
hiện sự chỉ đạo của huyện, thời gian qua xã Khánh Hòa đã tập trung cao cho công
tác CCHC gắn với chuyển đổi số, đạt được nhiều kết quả quan trọng, trở thành
một trong những đơn vị thuộc tốp đầu của huyện trong công tác CCHC.
Đồng
chí Nguyễn Văn Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hòa chia sẻ: Trong những năm
gần đây, công tác CCHC được Đảng ủy, UBND xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, coi
đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng. Bên cạnh việc ưu tiên nguồn lực đầu
tư hạ tầng công nghệ, xã đã yêu cầu các cán bộ, công chức thường xuyên học tập,
nâng cao kiến thức về công nghệ nhằm theo kịp tiến trình chuyển đổi số. Xã đã
thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng tại 100% thôn, xóm, trực tiếp hỗ trợ, hướng
dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, dịch vụ hành chính
công, thanh toán không dùng tiền mặt…
Cùng
với đó, xã thành lập các nhóm Zalo ở từng lĩnh vực phụ trách để chủ động trong
việc chỉ đạo, điều hành, thông tin và thống nhất trong triển khai thực hiện,
nhất là những văn bản chỉ đạo đột xuất đều được gửi qua hệ thống thư điện tử
hoặc nhắn tin qua các nhóm Zalo để cán bộ, công chức xã cũng như đội ngũ cán bộ
bán chuyên trách ở cơ sở kịp thời nắm bắt, triển khai thực hiện.
Đến
nay, lãnh đạo, cán bộ, công chức của xã đã sử dụng hệ thống quản lý, điều hành
văn bản thông qua các ứng dụng dùng chung iOffice, xử lý văn bản, ý kiến chỉ
đạo trên hệ thống và ký số. Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ công trực tuyến
ngày càng nâng cao. Hạ tầng công nghệ thông tin được quan tâm đầu tư đảm bảo
yêu cầu công việc, nhiệm vụ phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng
chính quyền điện tử.
Hiện
nay, tất cả các phòng, ban, đơn vị và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện
đều có đường truyền Internet băng thông rộng. Mạng truyền số liệu chuyên dùng
của tỉnh đã được kết nối đến Huyện ủy, UBND huyện và 19/19 xã, thị trấn trên
địa bàn.
Anh
Nguyễn Văn Hùng, công chức Tư pháp - Hộ tịch xã Khánh Hòa cho rằng đây là thuận
lợi lớn để tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, giúp cán bộ, công chức
không phải nhập số liệu, hồ sơ nhiều lần vào hệ thống, qua đó giảm thời gian,
chi phí, tăng năng suất lao động. Việc thực hiện liên thông thủ tục hành chính
đã góp phần đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí đi lại cho người dân, không để
xảy ra tình trạng chậm, muộn hoặc yêu cầu các thông tin không cần thiết, không
đúng quy định, tăng sự hài lòng của người dân, tổ chức.
Cùng
với Khánh Hòa, các địa phương trong huyện Yên Khánh đã tích cực đẩy mạnh ứng
dụng công nghệ thông tin, góp phần cải cách thủ tục hành chính. Hiện nay, hệ
thống phần mềm Quản lý văn bản và Điều hành đã triển khai đến 100% cơ quan hành
chính Nhà nước cấp huyện và cấp xã với trên 580 tài khoản được khai báo, cấp sử
dụng; tỷ lệ văn bản đi sử dụng đồng thời chứng thư số của tổ chức và chứng thư
số của cá nhân trên 90%.
Tại Bộ
phận Một cửa của huyện cũng như ở các xã, thị trấn, điểm mới so với trước đây
là ngoài việc niêm yết, công khai thủ tục hành chính còn được đầu tư máy tính
chuyên dụng để người dân tiện tra cứu thủ tục hành chính và giao dịch trực
tuyến. Để góp phần hình thành các công dân số, huyện Yên Khánh đã thành lập 268
tổ công nghệ số cộng đồng với 1.425 thành viên là Bí thư chi bộ, Trưởng thôn,
xóm, đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia tuyên truyền, hướng dẫn người dân
tiếp cận, cài đặt các dịch vụ số. Toàn huyện hiện có trên 100 nghìn người cài
App công dân số.
Chị
Thịnh Thanh Nga ở xã Khánh Nhạc chia sẻ: Được các thành viên Tổ công nghệ số
cộng đồng tuyên truyền, giải thích, tôi đã cài các App như: MoMo, Zalo Pay,
Viettel Pay... Giờ đây, tôi đã sử dụng thành thạo các App để thực hiện các giao
dịch tài chính hàng ngày. Phương thức thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ
giúp đảm bảo an toàn mà còn giúp cho tôi có kế hoạch kinh doanh, chi tiêu trong
quản lý tài chính hiệu quả hơn.
Đẩy
mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong CCHC, nhất là trong cải cách thủ tục
hành chính đã giúp cho các thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực ở Yên Khánh
được đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, góp phần tăng
niềm tin của người dân vào sự quản lý, điều hành của các cấp chính quyền.
Năm 2022,
huyện Yên Khánh xếp thứ 3 toàn tỉnh về chỉ số CCHC cấp huyện. Đây cũng là một
trong những minh chứng rõ nét cho hiệu quả của việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ
thông tin, xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn huyện.
Theo nguồn Báo Ninh Bình